Nứt kẽ hậu môn: Nguyên nhân, cách nhận biết và phòng tránh
Bạn có từng cảm thấy đau rát, buốt nhói hoặc chảy máu mỗi lần đi đại tiện? Nhiều người cho rằng đây chỉ là hệ quả của táo bón hay chế độ ăn uống chưa hợp lý. Nhưng thực tế, những dấu hiệu đó có thể là biểu hiện điển hình của nứt kẽ hậu môn – một vấn đề thường bị xem nhẹ nhưng có thể gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu không điều trị đúng cách.
Tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Bình Dương, chúng tôi tiếp nhận hàng trăm trường hợp bệnh lý hậu môn – trực tràng mỗi tháng, trong đó nứt kẽ hậu môn chiếm tỷ lệ không nhỏ, đặc biệt là ở người trẻ làm văn phòng, phụ nữ sau sinh và người mắc táo bón mãn tính. Vậy nứt kẽ hậu môn là gì, nguyên nhân từ đâu, làm thế nào để điều trị dứt điểm và phòng tránh tái phát? Hãy cùng PKĐK QT Bình Dương tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Nứt kẽ hậu môn là gì?
Nứt kẽ hậu môn (Anal Fissure) là một vết rách nhỏ ở lớp niêm mạc ống hậu môn – khu vực cuối cùng của ống tiêu hóa. Tổn thương này thường xảy ra do niêm mạc hậu môn bị kéo căng quá mức khi đi ngoài, đặc biệt là khi phân cứng hoặc bị táo bón kéo dài.
Tuy là một vết thương nhỏ, nhưng do hậu môn là nơi thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn và áp lực từ đại tiện, nên vết nứt khó lành, dễ tái phát và gây ra những cơn đau dữ dội kéo dài, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Đa số các trường hợp nứt kẽ hậu môn có thể tự khỏi trong vài tuần nếu được vệ sinh, chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, trong trường hợp táo bón kéo dài không cải thiện, tình trạng nứt kẽ hậu môn dai dẳng kéo dài có thể chuyển thành mạn tính và cần điều trị bằng phẫu thuật.

Tổng quan nứt kẽ hậu môn
Nguyên nhân gây nứt kẽ hậu môn
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng nứt hậu môn, tuy nhiên, những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Táo bón mãn tính: Là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng rách hậu môn. Khi đi vệ sinh, người bệnh phải rặn mạnh cùng với phân cứng, khiến niêm mạc hậu môn bị căng rách.
- Tiêu chảy kéo dài: Làm cho niêm mạc hậu môn thường xuyên bị kích ứng và dễ bị tổn thương.
- Phụ nữ sau sinh: Do áp lực từ quá trình chuyển dạ làm tổn thương ống hậu môn.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn: Quan hệ thô bạo không đủ bôi trơn làm tăng nguy cơ nứt và viêm nhiễm.
- Vệ sinh hậu môn không đúng cách: Dùng giấy thô, lau mạnh hoặc không vệ sinh kỹ càng sau đại tiện đều là những nguy cơ khiến hậu môn bị nứt, rách và tổn thương.
- Các bệnh lý nền: Như bệnh trĩ, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn cũng có thể gây nứt hậu môn.
- Tình trạng viêm nhiễm tại hậu môn – trực tràng: làm giảm sức bền tổ chức iêm mạc hậu môn, khi đi ngoài phải rặn hoặc có phân rắn đi qua dễ làm rách niêm mạc gây nứt kẽ hoặc viêm loét.
- Viêm cơ thắt hậu môn: Sự co thắt của cơ thắt bên trong ống hậu môn cản trở sự lành lại của các ổ viêm loét hậu môn, khiến tình trạng này kéo dài và dẫn đến nứt kẽ.
Ngoài ra, những người thiếu máu tại chỗ, sau mổ cắt trĩ, bị hẹp hậu môn cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy hình thành nứt kẽ tại hậu môn.
Triệu chứng nứt kẽ hậu môn có thể tự nhận biết được không?
Bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn là 2 bệnh rất dễ nhầm lẫn về triệu chứng. Một số biểu hiện giúp bạn nhận diện sớm tình trạng bệnh nứt kẽ hậu môn bao gồm:
Đau rát khi đi vệ sinh: Cảm giác đau dữ dội như dao cứa ở hậu môn, đặc biệt là sau khi đi ngoài, có thể kéo dài đến vài giờ khiến người bệnh sợ hãi và mệt mỏi.
Chảy máu tươi: Máu thường xuất hiện trên giấy vệ sinh hoặc nhỏ giọt trên bề mặt phân.
Co thắt hậu môn: Hậu môn bị thắt chặt, gây khó đi tiêu.
Cảm giác châm chích, ngứa hậu môn: Nhất là khi vận động, ngồi lâu hoặc do quần áo cọ xát.
Có vết nứt nhỏ ở rìa hậu môn: Đôi khi có thể quan sát bằng mắt thường thấy vết rách, mảnh da thừa và nhú phì đại gần vị trí đường nứt..

Triệu chứng nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ hậu môn mạn tính – Khi nào cần điều trị y tế?
Nứt hậu môn cấp tính có thể tự lành sau vài ngày nếu chăm sóc tốt. Tuy nhiên, khi không điều trị đúng cách hoặc tái phát nhiều lần, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, đi kèm các dấu hiệu:
- Vết nứt kẽ tại hậu môn không tự lành sau 6–8 tuần.
- Xuất hiện mô xơ sẹo ở rìa vết nứt.
- Đau kéo dài sau đại tiện, thậm chí cảm giác đau vẫn xuất hiện khi không đi vệ sinh.
- Co thắt cơ vòng hậu môn dẫn đến đau nghiêm trọng ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc hay nghỉ ngơi.
Trường hợp này cần sự can thiệp y tế chuyên sâu để cải thiện những ảnh hưởng của nứt hậu môn đồng thời ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng hơn.
Biến chứng nứt kẽ hậu môn nếu không chữa kịp thời
Nếu bỏ qua không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, nứt kẽ hậu môn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe nguy hiểm:
Viêm nhiễm hậu môn: Vết nứt là cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập, tấn công gây bệnh, dễ gặp nhất là viêm nhiễm, loét tại vị trí nứt hậu môn.
Áp xe hậu môn: Tụ mủ ở vùng xung quanh vết nứt khó lành gây đau nhức, sưng tấy.
Rò hậu môn: Cũng là một biến chứng thường gặp do nứt hậu môn với biểu hiện đường thông bất thường từ hậu môn ra ngoài da.
Hẹp ống hậu môn: Do mô sẹo sau khi liền vết nứt co kéo, gây khó đi tiêu. Đặc biệt, khi vết nứt kéo dài, sâu đến cơ vòng hậu môn sẽ khó có thể tự lành, cần thực hiện phẫu thuật
Ảnh hưởng tâm lý: Người bệnh sợ cảm giác đau đớn khi đi vệ sinh, lo lắng kéo dài, nhịn vệ sinh, táo bón càng làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hoặc hình thành các búi trĩ.
Cách điều trị nứt kẽ hậu môn hiệu quả và an toàn
Tự điều trị nứt kẽ hậu môn tại nhà (chỉ hiệu quả trong giai đoạn nhẹ)
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tăng cường chất xơ (rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám), uống 2–2.5L nước/ngày để tránh tình trạng táo bón gây áp lực lên trực tràng, hậu môn.
Ngâm hậu môn nước ấm: 2–3 lần/ngày giúp giảm đau, thư giãn cơ vòng, dễ đi vệ sinh cũng như đảm bảo vệ sinh khu vực hậu môn. Không sử dụng các loại dung dịch vệ sinh hoặc xà phòng chứa chất tẩy rửa hoặc hương liệu mạnh dễ kích thích tới khu vực da nhạy cảm
Sử dụng thuốc bôi: Như thuốc bôi chứa nitroglycerin, hydrocortisone, lidocain… theo chỉ định bác sĩ có thể giúp giảm nhanh cảm giác khó chịu từ vết nứt, góp phần làm giãn cơ thắt.
Giữ vùng hậu môn sạch sẽ: Dùng nước ấm rửa sau đại tiện, tránh giấy thô hoặc các loại quần áo dễ kích ứng.
Điều trị y tế (với trường hợp nứt mãn tính, hay tái phát)
Thuốc bôi giãn cơ vòng hậu môn: Diltiazem, nifedipin, hoặc nitroglycerin giảm cảm giác đau khi đi đại tiện, hạn chế tình trạng nứt kẽ hậu môn tiến triển xấu, nghiêm trọng.
Tiêm Botox: Làm giãn cơ vòng trong, giảm co thắt khắc phục tình trạng hẹp hậu môn cũng như giúp người bệnh dễ đại tiện hơn.
Phẫu thuật cắt cơ vòng trong (LIS): Đây là phương pháp được chỉ định để điều trị nứt kẽ hậu môn khi các phương pháp trên không cải thiện tình trạng bệnh. Là phương pháp hiệu quả cao, ít tái phát nhưng cần thực hiện tại cơ sở uy tín.
Phương pháp phẫu thuật chữa nứt kẽ hậu môn thường bao gồm: nong hậu môn, cắt bỏ vết nứt và khâu lại, phẫu thuật mở cơ thắt trong, phối hợp cắt vết nứt hậu môn và mở cơ thắt trong. Một số trường hợp có thể được chỉ định mở cơ thắt trong bằng hóa chất
Tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Bình Dương, người bệnh được thực hiện kiểm tra hậu môn trực tiếp, kết hợp siêu âm và nội soi không đau, không xâm lấn, mang lại kết quả chính xác, từ đó cá nhân hóa phác đồ điều trị phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể phòng tránh nứt kẽ hậu môn
Cách phòng ngừa nguy cơ nứt kẽ hậu môn tái phát
Nứt kẽ hậu môn hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách thay đổi thói quen sống cũng như chế độ dinh dưỡng:
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống nhiều nước, ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, nhuận tràng như khoai môn, khoai lang, chuối, củ cải.. tránh thực phẩm cay nóng.
- Đi đại tiện đúng giờ, thường xuyên, nên cố định vào 1 thời điểm trong ngày để tạo phản xạ có điều kiện, không nhịn lâu.
- Hạn chế ngồi lâu hoặc đứng quá lâu, nên đi lại nhẹ nhàng sau khoảng 30 phút làm việc có tác dụng hiệu quả đối với phòng tránh nứt kẽ hậu môn cũng như bệnh trĩ
- Tập thể dục đều đặn: Đi bộ, yoga, bơi lội hoặc bất cứ môn thể thao nào vừa sức, đặc biệt hiệu quả hơn với những bài tập có tác động lên vùng chậu.
- Vệ sinh hậu môn nhẹ nhàng, đúng cách sau mỗi lần đi vệ sinh.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Hãy đến khám ngay khi bạn có các dấu hiệu sau:
- Đau hậu môn kéo dài sau đại tiện.
- Chảy máu không rõ nguyên nhân.
- Phát hiện vết nứt nhưng không tự lành sau 1–2 tuần.
- Một trong các biểu hiện trên kèm tiền sử bệnh trĩ, viêm ruột, hoặc triệu chứng nghi ngờ polyp – ung thư.
Kết luận
Nứt kẽ hậu môn thường không được quan tâm đúng mức do nhiều người cho rằng đây là bệnh không nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, đúng cách tình trạng nứt kẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng khó lường. Việc chủ động nhận diện dấu hiệu và đến khám chuyên khoa là chìa khóa quan trọng để điều trị khỏi hoàn toàn và phòng tránh tái phát.
Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng nghi ngờ nứt kẽ hậu môn, đừng ngần ngại liên hệ Phòng khám Đa khoa Quốc tế Bình Dương qua hotline 033 454 2621 để được đội ngũ bác sĩ hậu môn – trực tràng giàu kinh nghiệm thăm khám và tư vấn.