Buồng trứng và những bệnh lý buồng trứng thường gặp
Buồng trứng là cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng sinh sản của phụ nữ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu về buồng trứng, vị trí, chức năng, cấu tạo, vai trò và những bệnh lý thường gặp ở buồng trứng.
Dưới đây các bác sĩ chuyên khoa sẽ chia sẻ những kiến thức cơ bản, chính xác và cần thiết về chủ đề này.
Buồng trứng là gì?
Buồng trứng là một bộ phận trong cơ quan sinh dục nữ, có cấu trúc hình bầu dục nằm ở 2 bên tử cung, bên trong khung chậu nữ. Cơ quan này có chức năng sản xuất, lưu trữ và giải phóng trứng chuẩn bị cho quá trình thụ thai, Đây còn là cơ quan đảm nhiệm chức năng sản xuất ra hormone estrogen và progesterone, là nội tiết nữ quan trọng kiểm soát khả năng mang thai cũng như các đặc tính đặc thù của phụ nữ.
Trong cơ thể vị trí buồng trứng nằm ở đâu?
Vị trí của buồng trứng trong cơ thể nằm ở 2 bên tử cung, nối liền với tử cung qua ống dẫn trứng, trên thành chậu hông bé, dưới eo chậu trên khoảng 10cm, phía sau vòi tử cung. Vị trí được cố định bởi một số dây chằng trong khung chậu, tuy nhiên vị trí của nó ở mỗi người không cố định, có thể xê dịch không đáng kể tùy theo quá trình sinh nở hoặc tuổi tác của người phụ nữ.
Hình thái buồng trứng thường có bề mặt nhẵn nhụi, màu hồng nhạt cho đến tuổi dậy thì. Sau tuổi dậy thì cùng với quá trình phát triển của trứng và sự phóng noãn sẽ làm rách vỏ buồng trứng, hình thành sẹo và khiến bề mặt buồng trứng trở nên sần sùi. Đến thời kỹ mãn kinh, khi không còn rụng trứng bề mặt buồng trứng sẽ nhẵn trở lại.

Buồng trứng và cấu tạo của nó
Cấu tạo của buồng trứng
buồng trứng được cấu tạo bởi 3 phần chính:
Bề mặt được hình thành bởi lớp biểu mô có hình khối đơn giản (lớp biểu mô mầm) cùng với lớp nang mô có liên kết dày đặc bên dưới với chức năng bảo vệ.
Lớp vỏ: Gồm mô liên kết các lớp nang trứng với những giai đoạn phát triển khác nhau. Bên trong mỗi nang trứng là một tế bào trứng, được bao bọc bởi 1 lớp tế bào nang.
Vùng tủy: Cấu trúc mô đệm được cấu tạo bởi tế bào cơ trơn, mô liên kết lỏng lẻo, mạch máu chủ yếu là tĩnh mạch và dây thần kinh
Ngay từ khi chào đời, các bé gái đã có những nang trứng nguyên thủy bên trong vỏ, trong mỗi nang trứng là tế bào trung tâm gọi là noãn. Khi đến tuổi dậy thì các nang nguyên thủy này phát triển, lớn lên về kích thước và hoàn thiện cấu trúc, chín và rụng, đây chính là hiện tượng rụng trứng ở nữ giới.
Chức năng của buồng trứng
Buồng trứng nữ có vai trò quan trọng đối với chức năng sinh sản ở nữ giới, bao gồm chức năng nội tiết và ngoại tiết.
Chức năng nội tiết
Buồng trứng đảm nhiệm chức năng sản xuất ra hormone Estrogen và Progesterone, là những chất nội tiết quan trọng trong sức khỏe sinh sản của nữ giới, điều phối và quy định chu kỳ kinh nguyệt, sự chín và phóng noãn của buồng trứng sẵn sàng cho thụ tinh và quá trình mang thai.
Estrogen: được sản xuất nhiều vào nửa trước của chu kỳ kinh nguyệt, trước thời điểm trứng rụng. Đây là một steroid được tổng hợp từ acetyl coenzyme A và cholesstrerol, giúp hình thành và duy trì các đặc điểm đặc điểm giới tính đặc trưng như phát triển cơ quan sinh dục, giọng nói, vóc dáng.
Ngoài ra Estrogen có tác động đến các cơ quan sinh dục như tử cung, cổ tử cung và vòi trứng giúp trứng đã thụ tinh dễ dàng di chuyển và làm tổ trong buồng tử cung. Đồng thời nó cũng có ảnh hưởng đến tuyến vú, âm đạo, hệ thống xương của phụ nữ.
Progesterone: được sản xuất vào nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt có tác dụng kích thích bài tiết ở niêm mạc tử cung, chuẩn bị sẵn sàng cho trứng đã thụ tinh làm tổ. Ngoài ra, Progesterone còn đóng vai trò giúp duy trì, ổn định chu kỳ kinh nguyệt.
Chức năng ngoại tiết
Buồng trứng đảm nhiệm vai trò giải phóng trứng chín sẵn sàng cho quá trình thụ tinh. Trong mỗi buồng trứng chứa hàng nghìn nang, mỗi nang chứa trứng chưa trưởng thành. Theo chu kỳ hàng tháng, các nang trứng ở 1 trong 2 buồng trứng trưởng thành, buồng trứng giải phóng trứng chín gọi là hiện tượng rụng trứng.
Kích thước buồng trứng
Kích thước buồng trứng bình thường dài khoảng 3-4cm, rộng 1,5cm và dày khoảng 1cm. Trọng lượng buồng trứng trung bình khoảng 250-300g. Buồng trứng từ tuổi dậy thì có kích thước ổn định, thay đổi không đáng kể và giảm dần cho đến tuổi mãn kinh.
Trong nhiều trường hợp thông qua các xét nghiệm hoặc siêu âm buồng trứng có thể phát hiện buồng trứng to bất thường hoặc nhỏ bất thường, chúng đều có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Nếu kích thước buồng trứng quá nhỏ có khả năng dự trữ buồng trứng thấp, khó mang thai. Dù vậy, kích thước buồng trứng to bất thường lại cảnh báo nguy cơ đa nang, u nang… gây ra những bất thường trong quá trình phát triển và rụng trứng, cũng khiến tỉ lệ đậu thai bị giảm đi.
Mối liên hệ giữa tử cung và buồng trứng
Tử cung và buồng trứng là 2 cấu trúc tiếp giáp nhau, nối liền với nhau bằng ống dẫn trứng và đều đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chức năng sinh sản của người phụ nữ. Đến giữa chu kỳ kinh nguyệt, cùng với sự lớn dần và chín của trứng, niêm mạc tử cung cũng trở nên dày xốp hơn. Khi trứng rụng, đi vào ống dẫn trứng, nếu được thụ tinh sẽ di chuyển dần về hướng tử cung và làm tổ, phát triển thành phôi thai tại tử cung.
Nếu trứng không được thụ tinh, trứng sẽ bị đẩy ra ngoài cùng với lớp niêm mạc tử cung theo máu của chu kỳ kinh nguyệt.
Các bệnh lý thường gặp của buồng trứng
Buồng trứng tuy là cấu trúc nằm sâu bên trong khung chậu nhưng vẫn có thể gặp phải các vấn đề bệnh lý, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của chị em phụ nữ. Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến nhất thường gặp phải ở cơ quan này

Những bệnh thường gặp ở buồng trứng
U nang buồng trứng
U nang được hình thành từ các mô của buồng trứng, được bao bọc bởi lớp vỏ bên ngoài, bên trong chứa dịch lỏng hoặc cấu trúc đặc, các khối u phát triển âm thầm, không có dấu hiệu lâm sàng rõ rệt và thường chỉ phát hiện khi thăm khám phụ khoa. Đa phần các trường hợp u nang là lành tính, tuy nhiên với những trường hợp u ác tính thường phát triển rất nhanh và có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.
Đa nang buồng trứng
Đây là hội chứng rất phổ biến ở phụ nữ do sự mất cân bằng nội tiết trong cơ thể, khiến quá trình phát triển và rụng trứng bị rối loạn. Đối với những phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang trứng thường phát triển đồng thời nhiều nang nhỏ tuy nhiên không có trứng chín và rụng gây cản trở cho quá trình mang thai và là nguyên nhân gây hiếm muộn nữ.
Suy buồng trứng sớm
Là trạng thái buồng trứng bị suy thoái quá sớm trước thời điểm mãn kinh (trước 40 tuổi), với chức năng suy giảm, trứng không còn phát triển và không còn hiện tượng rụng trứng. Cùng với đó phụ nữ cũng cần đối mặt với các vấn đề sức khỏe khác do sự thiếu hụt hormone estrogen và progesterone.
Ung thư buồng trứng
Là hiện tượng buồng trứng xuất hiện các tế bào đột biến bất thường, nhanh chóng phát triển thành các khối u ác tính tấn công mô, cơ tại buồng trứng và có thể di căn nếu không được điều trị. Ung thư buồng trứng thường có các dạng như ung thư biểu mô, ung thư tế nào mầm hoặc một số loại ung thư đặc biệt hiếm gặp khác.
Viêm buồng trứng
Là tình trạng buồng trứng 1 bên hoặc cả 2 bên bị viêm nhiễm, thường là do ảnh hưởng của viêm ống dẫn trứng, viêm vùng chậu, có thể là cấp hoặc mãn tính.
Dấu hiệu cho thấy buồng trứng đang gặp phải các vấn đề bất thường
Tùy vào mỗi loại bệnh lý mắc phải mà chị em có thể xuất hiện những triệu chứng khác nhau, tuy nhiên, có thể nhận biết sớm bất thường thông qua một số dấu hiệu dưới đây:
- Đau âm ỉ, đau nhói hoặc lâm râm ở vùng bụng dưới
- Đau vùng chậu không rõ vị trí chính xác
- Buồn nôn hoặc tiêu chảy, cảm giác khó chịu không do ăn uống
- Đau bụng kinh nhiều
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều, bao gồm cả thời gian và tính chất của máu kinh
- Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể là quá ít, quá nhiều hoặc mùi và màu bất thường
- Chậm có thai dù quan hệ vợ chồng đều đặn và không sử dụng biện pháp tránh thai.
- Tăng hoặc giảm cân bất thường, căng thẳng thần kinh thường xuyên, rụng tóc hoặc mọc lông nhiều ở tay, chân mép..
Ngay khi nhận thấy có những dấu hiệu bất thường xảy ra với cơ thể, chị em cần đi khám chuyên khoa sớm nhất để đánh giá nguy cơ, xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời, phù hợp và chính xác đối với những vấn đề bất thường.
Việc đánh giá và chẩn đoán các vấn đề bất thường ở buồng trứng không thể tự thực hiện hay dự đoán mà cần có những kiểm tra chuyên sâu được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Chính vì thế, việc không kiểm tra, thăm khám mà tự ý sử dụng các thuốc như thuốc bổ trứng, các thực phẩm chức năng nội tiết đều có nguy cơ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
Làm thế nào để duy trì buồng trứng khỏe mạnh
Bảo vệ sức khỏe buồng trứng là việc làm cần thiết ngay từ khi chưa có bất cứ bất thường nào, từ khi dậy thì, trong suốt độ tuổi sinh sản và thậm chí càng quan trọng hơn trong thời kỳ mãn kinh. Dưới đây là một số lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa giúp chị em có buồng trứng khỏe mạnh:
Thực hiện nghiên cứu và thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng phù hợp
Hiểu về cơ thể mình và thiết lập một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân đối giữa các nhóm chất, đảm bảo giàu đạm và chất béo có lợi cho sức khỏe nhằm đảm bảo chức năng nội tiết.
Hãy chú trọng bổ sung các loại trái cây và rau giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ nhằm nâng cao sức khỏe tổng thể, nâng cao khả năng đề kháng và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.
Đồng thời, hạn chế tối đa sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo và tinh bột có thể làm tăng đường huyết, ảnh hưởng đến chức năng nội tiết.
Làm việc, nghỉ ngơi khoa học cùng lối sống lành mạnh
Thường xuyên vận động là cách để cải thiện sức khỏe tổng quát cũng như đảm bảo các chức năng cơ thể được tốt hơn bao gồm cả buồng trứng. Đồng thời, đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế căng thẳng thần kinh cũng là cách giúp buồng trứng hoạt động ổn định hơn, cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
Quan hệ và vệ sinh đúng cách
Quan hệ tình dục là cách để cân bằng nội tiết cơ thể phụ nữ, tuy nhiên, hãy chú ý quan hệ đúng cách, an toàn để tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục, sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp khi bạn chưa có ý định mang thai.
Vệ sinh phụ khoa đúng cách cũng giúp bảo vệ buồng trứng khỏi các tác nhân gây bệnh viêm nhiễm, tránh lây lan vi khuẩn từ bộ phận sinh dục ngoài vào trong buồng trứng.
Định kỳ thăm khám, kiểm tra sức khỏe phụ khoa
Như đã nói ở trên, các vấn đề bất thường ở buồng trứng có thể phát triển âm thầm và không có dấu hiệu rõ rệt. Nếu không khám phụ khoa định kỳ rất khó để phát hiện, đến khi có những dấu hiệu bất thường có thể tình trạng bệnh đã nghiêm trọng và nguy hiểm hơn. Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường và có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.
Kết luận
Thực tế từ nhiều trường hợp bệnh lý tại phòng khám đa khoa quốc tế Bình Dương cho thấy rất nhiều chị em không hiểu rõ chức năng cũng như không biết cách bảo vệ sức khỏe buồng trứng. Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, chị em phụ nữ cần trang bị những kiến thức cần thiết, đúng đắn về chức năng sinh sản cũng như quan tâm hơn đến bảo vệ sức khỏe phần phụ chính mình để đảm bảo thiên chức làm mẹ cũng như hạn chế ảnh hưởng sức khỏe.